Các nhà thiên văn học chụp được hình ảnh về sự ra đời của một hành tinh xa xôi

Các nhà thiên văn học đã chụp được những bức hình về sự ra đời của một hành tinh xa xôi. Hành tinh này quay quanh sao chủ HD 135344B, cách Trái đất 440 năm ánh sáng. Những bức hình tuyệt đẹp cho thấy hành tinh này đang bắt đầu hình thành nên những xoáy bụi và khí quanh sao chủ của nó. Các nhà khoa học thực hiện khám phá này cho rằng chắc chắn hành tinh này có kích thước gấp hai lần Sao Mộc và cách xa sao chủ của nó tương tự khoảng cách giữa Sao Hải Vương và Mặt trời.


Các hành tinh được hình thành từ những xoáy vật chất nóng được biết đến là các đĩa tiền hành tinh, hình thành quanh các ngôi sao còn rất trẻ. Khi các hành tinh này bắt đầu hình thành, chúng 'quét' quỹ đạo của mình để tạo ra các kiểu vành đai, lỗ hổng và các xoáy ốc phức tạp trong khí bụi. Dù các nhà thiên văn học trước kia đã phát hiện ra những kiểu mẫu này, nhưng đây là lần đầu tiên mọi người bắt gặp một trong những cảnh tượng hành tinh ra đời đang diễn ra. Tác giả chính Francesco Maio, một tiến sĩ nghiên cứu tại Đại học Florence, cho biết: 'Chúng ta sẽ không bao giờ được tận mắt chứng kiến sự hình thành của Trái đất, nhưng ở đây, xung quanh một ngôi sao trẻ cách chúng ta 440 năm ánh sáng, chúng ta có thể đang chứng kiến một hành tinh hình thành theo thời gian thực.'


Kính viễn vọng Very Large Telescope (VLT) của Đài quan sát Nam Âu lần đầu tiên phát hiện ra các mô hình xoắn ốc xung quanh HD 135344B vào năm 2016. Tuy nhiên, thiết bị được sử dụng trong những nghiên cứu ban đầu đó không đủ nhạy để xác nhận liệu có một tiền hành tinh - giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành hành tinh - bên trong các vành đai hay không. Trong một nghiên cứu mới, được công bố hôm nay trên tạp chí Thiên văn học và Vật lý thiên văn, các nhà nghiên cứu đã sử dụng Máy ảnh và Máy quang phổ Độ phân giải Nâng cao (ERIS) mới của VLT để xác định chính xác vị trí tiềm năng của hành tinh. Ông Maio và các đồng tác giả đã phát hiện ra một "ứng cử viên hành tinh" - một thứ được tin chắc là một hành tinh - ngay tại chân của một trong những nhánh xoắn ốc của đĩa.


Nếu những vòng xoắn ốc này được tạo ra bởi một hành tinh làm xáo trộn vành đai bụi, thì đó chính xác là vị trí của hành tinh mà các nhà thiên văn học dự đoán. Điều làm cho những quan sát này trở nên đặc biệt là các nhà thiên văn học thực sự có thể thu được ánh sáng phát ra trực tiếp từ chính hành tinh. Đây là một bằng chứng quan trọng ủng hộ giả thuyết rằng các khoảng trống và vành đai trong các đĩa tiền hành tinh xung quanh các ngôi sao khác đang che giấu các tiền hành tinh của riêng chúng. Ông Maio nói: "Điều khiến phát hiện này có khả năng trở thành một bước ngoặt là, không giống như nhiều quan sát trước đây, chúng tôi có thể phát hiện trực tiếp tín hiệu của tiền hành tinh, vốn vẫn còn nằm sâu trong đĩa."


Những quan sát này cũng có thể giúp làm sáng tỏ cách các hành tinh trong hệ Mặt Trời của chúng ta hình thành hơn bốn tỷ năm trước. Đồng thời, một nhóm các nhà nghiên cứu thứ hai đã sử dụng ERIS để phát hiện một hành tinh tiềm năng khác đang hình thành xung quanh một ngôi sao trẻ xa xôi khác. V960 Mon nằm cách Trái Đất khoảng 5.000 năm ánh sáng và được cho là cực kỳ trẻ. Khi các nhà thiên văn học lần đầu tiên tìm thấy hình ảnh chụp được của nó vào năm 2023, họ phát hiện ra rằng ngôi sao này đang phun ra những luồng khí và bụi rộng hơn toàn bộ Dải Ngân Hà của chúng ta.


Trong nghiên cứu mới này, các nhà thiên văn học phát hiện ra rằng các nhánh xoắn ốc đang "phân mảnh" theo cách cho thấy một quá trình được gọi là "bất ổn trọng trường" đang diễn ra. Các hành tinh thường hình thành như những quả cầu tuyết lăn xuống đồi, khi vật chất va chạm và kết tụ lại thành những khối ngày càng lớn hơn - hiện tượng này được gọi là sự bồi tụ lõi. Nhưng đôi khi, khi khí và bụi nguội hơn và ở xa ngôi sao chủ hơn, vật chất sẽ từ từ kéo lại với nhau dưới tác động của trọng lực và tạo thành các khối sụp đổ vào lõi của một hành tinh. Các nhà khoa học tin rằng đây là cách các hành tinh khí khổng lồ như Sao Mộc và Sao Thổ thường hình thành.


Nếu đây chính là nguyên nhân gây ra sự phân mảnh quanh V960 Mons, thì đó sẽ là lần đầu tiên người ta chứng kiến một hành tinh hình thành do bất ổn hấp dẫn. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học hiện cho rằng có một thứ gì đó thậm chí còn kỳ lạ hơn đang ẩn núp quanh V960 Mons. Các nhà nghiên cứu tin rằng vật thể này có thể là một "sao lùn nâu", một vật thể lớn hơn một hành tinh nhưng chưa đạt đủ khối lượng để tỏa sáng như một ngôi sao. Những hành tinh khổng lồ này có thể lớn gấp từ 13 đến 80 lần Sao Mộc và thường quay quanh các ngôi sao đồng hành của chúng ở rất xa. Tương tự, chưa ai ghi lại được khoảnh khắc chính xác mà một trong những vật thể bí ẩn này xuất hiện.

Nguồn: Daily mail
Chuyên mục: